Hôm trước đọc được bài “Bản thảo A” ở trên VietPhD. Đại để bài nói về việc mỗi ngày anh sinh viên Tiến sĩ này đều đặt ra mục tiêu ưu tiên viết “Bản thảo A”, nhưng sáng ra trước khi viết phải kiểm tra thư điện tử, phát hiện ra có hội thảo cần đăng ký, vừa đăng ký vừa tiện gửi cho bạn. Xong việc đó thì đến giờ đói, đói xong thì lại nhớ ra có một việc có thể làm giúp một thằng bạn khác. Rồi cứ thế cứ thế đến 4h chiều đang định ngồi viết “Bản thảo A” thì con gọi nên lại gác đấy chỉ viết lên bảng là ngày mai lại ưu tiền “Bản thảo A”
Bài viết quả thực rất dí dỏm và có lẽ cũng là một phần sự thật của cuộc đời nghiên cứu. Tuy nhiên sau khi ngồi cày xong mấy cái “Bản thảo A” của mình, Trang đọc bài này thì lại chỉ thấy một đống lý do biện minh cho sự “sợ viết” mà thôi. Có những hôm Trang “sợ viết” đến mức dành cả 3h ngồi chơi điện tử, hết pha trà rồi đi dắt chó. Còn có những hôm ngồi chat, buôn dưa lê “giúp đỡ” bạn tìm việc ở nửa đầu kia thế giới. Nhưng dù cho việc Trang làm có “chính nghĩa” đến đâu thì sâu đàng sau nó vẫn chỉ là sự “sợ viết” của chính mình. Viết nghiên cứu khoa học bắt buộc bạn phải nghĩ rất sâu. Viết được hai dòng năm dòng, bạn lại thấy ý nghĩ của mình chưa chắc đã đúng, thế là quay sang đọc độ 50-100 trang. Sau đó viết thêm được năm ba dòng nữa, lại tiếp tục đọc hoặc làm một thí nghiệm nào đó để xem viết có đúng hay không. Nhìn chung, cả ngày viết có khi bạn nặn ra một mớ mà mấy ngày tiếp theo chả dùng được, LẠI VIẾT LẠI TỪ ĐẦU. Quá trình đó đau đớn và gây sợ hãi cho rất nhiều người, trong đó có bản thân mình.
Thế nhưng viết cũng là một sự học hỏi không ngừng. Khi suy nghĩ về một ý tưởng nghiên cứu, trong đầu bạn luôn luôn có một mệnh đề và giả định là mình đúng. Bạn có thể nghĩ ngày nghĩ đêm, nghĩ dài nghĩ ngắn nhưng trước khi bạn viết xuống, bạn chưa hoàn toàn định hình được mệnh đề này nên bạn vẫn tiếp tục kéo dài giả định “mình đúng” rồi chỉ tìm lý thuyết và bài nghiên cứu chứng minh cái sự đúng đó thôi. Khi bạn bắt đầu viết xuống, mệnh đề bắt đầu có hình hài, và nhìn vào hình hài đó, bạn mới thực sự biết được “mệnh đề” đã sai đến đâu rồi. Sợ viết có lẽ chính là vì sợ biết được rằng cái mình đã làm việc rất chăm chỉ, đọc hoài, đọc mãi trong mấy tháng qua đều đã sai rồi. Sợ viết có lẽ là sợ phải phủ định chính bản thân mình.
Tuy nhiên, dù sợ mình cũng lại nghĩ sự liên tục khẳng định và phủ nhận suy nghĩ của chính mình là một sự trưởng thành rất lớn trong tâm trí. Đến cuối ngày nghiên cứu khoa học không phải là áp suy nghĩ của một người để tạo thành kiến thức. Nó là những tinh hoa khi một người nghĩ đủ sâu, khẳng định và tự phủ nhận chính mình cho đến khi có một cái gần với sự thật nhất. Vì vậy sự sợ viết là có thật nhưng mình không có cách nào trốn tránh nó vì chỉ có khi viết, mình mới có thể học để trở thành một nhà khoa học thực sự.
Mình viết bài này sau khi hoàn thành 1 bản thảo A lên định hướng trong vòng 3 ngày. Cả kì này mình cũng viết đi viết lại 3 bản thảo khác, hết bản nọ đến bản kia, không có thời gian nghỉ. Vì vậy nếu mọi người hỏi mình làm sao để viết “Bản thảo A”, mình chỉ có một câu trả lời duy nhất là hãy viết nó, hãy tận tâm vì nó, hãy vượt qua nỗi sợ sai để thực sự trưởng thành. Còn những lý do chính đáng kia… giúp người này, người kia, đăng kí hội thảo này, hội thảo kia, ngoại trừ lý do gia đình, có lẽ sẽ không bao giờ có lý do nào quan trọng bằng hoặc hơn việc bạn ngồi xuống và bắt đầu viết. Quay lại việc gia đình, mình vẫn ngày nấu 3 bữa cơm, giặt đồ, tối dành thời gian cho giai và rất rất hiếm khi làm việc, ban ngày gần như tuần nào cũng gọi điện buôn dưa với mẹ hoặc với bạn. Nhưng mình luôn tự cho mình một hạn định, có ngày giờ tháng năm… để rồi dù sợ mình cũng phải viết cho xong và không ảnh hưởng đến những việc khác. Vậy nên những lý ngoài kia hoàn toàn không phải tại sao bạn không thể hoàn thành “Bản thảo A”, chỉ đơn giản là cái bạn nêu ra để không phải đối diện với nỗi sợ viết của mình và trì hoãn không viết đến khi còn có thể.
Nghề nghiên cứu này là thế… Chẳng ai giao cho bạn hạn nộp bài nhưng cũng chính vì thế bạn phải tự có kỷ luật với bản thân và tự đặt bút xuống viết một ít mỗi ngày, dở hay chưa quan trọng, quan trọng là viết để suy nghĩ mình không trì trệ.
Comments