ĐIỀU 1:
Người tìm việc: Đi làm không giống như đi học, không chủ động học hỏi sẽ bị tụt lại phía sau. Sẽ chẳng có ai cầm tay chỉ việc cho bạn, thứ gì không biết thì lên GG search trước, không có thì mới hỏi đồng nghiệp. Nhớ là hỏi chứ đừng giấu dốt.
Việc đói người: Có một số cái biết vẫn nên hỏi để thể hiện sự tôn trọng với quy trình quy chế tổ chức và vừa để tìm hiểu những mối quan hệ sâu xa, được ngầm hiểu trong một đơn vị. Mà Google thì chắc chắn không có cái đó
ĐIỀU 2:
Người tìm việc: Tin học văn phòng rất quan trọng, hãy trau dồi từ khi còn ở trên ghế nhà trường. Đừng để đến lúc đi làm những thao tác đơn giản nhất cũng loay hoay, sẽ rất ngượng và mất thời gian.
Việc đói người: Có bao nhiêu bạn ở đây đi làm 5 năm mà biết các in "nhãn trắng" (label), theo dạng "điền tự động" (autofill) từ một danh sách tên và địa chỉ có sẵn nhỉ? Theo mình đoán là không nhiều. Mình thì từ lớp 11 đã nhuần nhuyễn. Cơ mà thế cũng chưa phải giỏi. Chả nhớ có bác gì bên FPT từng nói: "Thằng nào dám nói nó giỏi Excel, tôi đưa nó lên tủ thờ luôn." Mãi về sau mình lập trình VBA Excel nhoay nhoáy mà mình cũng chưa thấy mình giỏi, đội trẻ lúc đó đã bắt đầu chập chứng php với power BI cả rồi. Vậy nên tin học văn phòng có rất nhiều dạng và trình độ. Mỗi thời mỗi khác. Không chỉ học trong trường, mà kể cả sau này lên vị trí cao hơn rồi vẫn nên học để không lạc hậu so với thời đại. Và cái quan trọng là học xong đừng để đấy, nghĩ cách kết hợp nó vào công việc thì nó mới lâu bền.
ĐIỀU 3:
Người tìm việc: Biết uống rượu bia là một cái lợi, rất lợi. Bạn sẽ được đánh giá: "Con bé này nhanh nhẹn, nhiệt tình" thay vì cứ chối đây đẩy. Nên biết uống rượu, coi nó như một kĩ năng cần thiết khi đi làm.
Việc đói người: Thực ra công việc trên bàn rượu không phải là để ép nhau uống mà chỉ để xem đối tác rượu vào lời có ra không. Cái người kêu biết uống mà lúc uống vào chuyện bí mật làm ăn cứ thế tuồn ra thì xong luôn. Nhưng một người biết cản rượu khi cần, chỉ cần đừng lấy "giới tính nữ" ra để làm bình phong thì còn được người khác tôn trọng hơn gấp nhiều lần. Mẹ mình là người thích uống cũng biết uống, nhưng mẹ không uống nhiều. Cơ mà cái hay là loại rượu gì mẹ cũng biết nên khi đối tác hoặc sếp mẹ mà nói đến một loại mẹ có thể bình phẩm về vị của nó, thậm chí có thể giới thiệu loại thức ăn hoặc rượu khác phù hợp hơn. Biết uống để mà nhiệt tình rất khác với biết uống để mà không phải uống "lộ chuyện làm ăn." Hai ông cậu "ù lần" nhà mình còn không biết uống luôn và chả hiểu sao từ trẻ đã không uống kể cả khi bị bạn bè đồng nghiệp chê bai, ép uổng. Thế nhưng, chính vì thế chẳng có cái bí mật kinh doanh nào lớn bị lộ ra cả. Hai ông này về sau thành Tổng Giám đốc và vì hai ông Tổng không "bê tha" nhân viên lại càng không uống mà vẫn làm được việc.
ĐIỀU 4:
Người tìm việc: Thà làm ở công ty lương thấp hơn mà đồng nghiệp dễ chịu vui vẻ còn hơn lương cao mà thị phi đấu đá, lúc ấy mỗi ngày đi làm đều như cực hình.
Việc đói người: Ờm, đôi khi đồng nghiệp vui vẻ và cực thân với nhau là vì có "kẻ thù chung" hay còn gọi là "ông chủ" không tốt cho lắm. Cơ mà làm nhiều ở chỗ như vậy không chỉ xì trét vì chủ mà còn ý chí thụt lùi và ngàn năm không tiến bộ nữa đấy. Cái cần ưu tiên là ở một chỗ làm liệu mình còn học được gì nhiều không. Đồng nghiệp hòa thuận mình có thể học nhiều hơn về cách làm việc nhóm nhưng nếu đấu đá thì mình lại học thêm được rất nhiều góc nhìn.
ĐIỀU 5:
Người tìm việc: Kinh nghiệm khi deal lương, ví dụ công ty để mức lương là 8 - 12tr, đừng bao giờ dại mà trả lời rằng mong muốn được 8+, cứ mức cao nhất mà báo. Vì khi nào công ty cũng sẽ dí lương của bạn xuống thấp hơn nên đừng d.ại mà thật thà chọn cái tầm trung trung cho thiệt thân.
Việc đói người: Công ty để mức lương 8 đến 12 không có nghĩa là mình không thể thể hiện hơn thế. Mình từng có lần nộp một vị trí 10 triệu mà mình bảo dưới 20 triệu mình không làm. Quan trọng là mình phải hiểu giá trị và năng lực bản thân. Công ty họ thực sự cần người họ sẽ tạo vị trí cho mình. Chứ còn càng lên cao, bạn sẽ càng thấy chẳng có vị trí nào đúng chính xác với kinh nghiệm làm viêcj của bản thân cả.
ĐIỀU 6:
Người tìm việc: Cố tìm những công việc được nghỉ thứ 7, chủ nhật. Vừa có cuối tuần rảnh rỗi nghỉ ngơi, về quê, đi chơi thoải mái. Chứ đi làm sáng thứ 7 rồi, chưa kịp chớp mắt đã đến sáng thứ 2.
Việc đói người: Đừng nhìn vào công việc mà hãy nhìn vào sếp. Hãy nhìn thẳng mặt cái người phỏng vấn bạn mà hỏi: "Một ngày làm việc cơ bản của anh/ chị vào mùa cao điểm và mùa thấp điểm như thế nào ạ?" Qua câu trả lời của họ, bạn sẽ hiểu đó có phải là thời lượng và phong cách làm việc mà mình muốn không. Nếu trong mắt người phỏng vấn lại sáng ngời khi trả lời những câu hỏi đó thì mình còn hiểu thêm về văn hóa doanh nghiệp nữa. Không phải ai cũng thích nghỉ thứ bảy chủ nhật. Có người thích làm thông 3 tuần, nghỉ 1 tuần nếu sếp đủ thoải mái thì sao?
ĐIỀU 7:
Người tìm việc: Lương cao = Áp lực. Đừng mơ về việc nhẹ lương cao. Một quy tắc đơn giản: Cống hiến để giàu có.
Việc đói người: Lương gấp đôi thì việc gấp 4 đấy là tất lẽ dĩ ngẫu vì một doanh nghiệp luôn muốn nhân viên của mình có hiệu suất và hiệu quả cao hơn. Tất nhiên vào những năm đầu đời cống hiến không chỉ đi vào lương mà nó còn đi vào năng lực thực sự. Thế nhưng sẽ luôn có một điểm hòa vốn khi mình làm quá nhiều mà lương tăng chẳng bao nhiêu. Vậy nên cống hiến chưa chắc đã giàu có, làm cho sự cống hiến đó được nhìn nhận khi mình đã đủ năng lực lại càng quan trọng hơn.
ĐIỀU 8:
Người tìm việc: Một người thầy giỏi sẽ làm thay đổi tương lai của bạn. Nếu tìm được người đó, dù phải làm không lương thì cũng nên chấp nhận, vì đổi lại bạn sẽ nhận được nhiều thứ: kiến thức, quan hệ, cơ hội...
Việc đói người: Một người thầy tốt thì không bắt học trò làm không lương. Lương có thể hơi thấp chút nhưng không lương thì chỉ là lạm dụng. Hơn nữa nếu tự mình trở thành thầy người khác cũng là một cách tự tổng hợp kiến thức của mình rất nhanh. Vậy nên mình có gì thì cứ chịu khó dạy cho người khác nhé. Sau này lại thêm đứa làm hộ mình. Chỉ cần bản thân mình không ngừng học thêm kiến thức mới thì đâu sợ ai thay mình.
ĐIỀU 9:
Người tìm việc: "Không được đấm khách hàng, không được đấm khách hàng, không được đấm khách hàng". Điều quan trọng phải nhắc 3 lần, để mà dặn bản thân phải cố vượt qua điều đó.
Việc đói người: Không phải không đấm khách hàng mà là phải quan tâm thật lòng đến khách hàng. Mình đầy khách củ chuối củ mắn, hành mình đủ đường nhưng thật ra 99٪ chuối là vì bản thân mình chưa chạm đúng cái họ cần. Thế nhưng mình có một anh khách hàng về sau chỉ vì mình ngồi nghe ảnh kể chuyện con ảnh hư mà đơn hàng thế nào cũng được. Nhưng cũng có khách hàng chuối không đỡ được, loại đó thì hãy cứ nghĩ tối mình về nhà cũng có lúc cáu bố mẹ, cáu chồng vợ, cáu con cái vô cớ nên giờ họ cáu mình là "quả báo" thôi. Từ đó, về nhà mà nhẹ nhàng hơn với người khác và tự dưng ít quả khách "chuối" này hơn nhé.
ĐIỀU 10:
Người tìm việc: Đừng trình bày những gì mình không làm được, hãy trình bày những gì có thể làm. Bên trên không quan tâm bạn gặp khó khăn gì, mà quan tâm kết quả sẽ ra sao. Đừng trình bày hay trì hoãn, hãy tìm cách giải quyết vấn đề.
Việc đói người: Nếu muốn trình bày cách giải quyết vấn đề thì phải trình 3 lựa chọn nêu rõ nguyên nhân hậu quả lợi và hại. Nói 1 cách sếp không có gì để so sánh, đến lúc sếp không thích thì mình tức hay làm thế nào?
ĐIỀU 11:
Người tìm việc: Công việc không từ trên trời rơi xuống, nhưng có thể vụt bay đến từ những đồng nghiệp cũ. Luôn giữ mối quan hệ tốt với họ, vì đó cũng có thể là cần câu cơm mà ai gặp rồi sẽ thấy, đáng trân trọng vô cùng.
Việc đói người: Cơ mà cũng giống như bất cứ mối quan hệ xã hội nào khác, có những đồng nghiệp độc hại mà chúng ta không nên có trong đời. Cắt được thì nên cắt. Người như vậy dù nhiều quan hệ nhưng cố giữ thì chúng ta vừa mất công vừa đến lúc cần nhờ thì người ta vênh vác lên mặt, nhờ xong thì hành hạ chúng ta. Vậy thôi, cứ giữ quan hệ với những người chúng ta chơi thật lòng được là được rồi. Người tích cực tự dưng tiền bạc, công việc và quan hệ sẽ tới, không nên cố sống cố chết với những điều và những người không xứng đáng.
ĐIỀU 12:
Người tìm việc: Mới ra trường, đừng kiêu ngạo và hiếu thắng. Tránh tỏ ra mình biết nhiều hơn đồng nghiệp. Việc của bạn là học hỏi, cầu thị, cố gắng kiểm soát cảm xúc của mình.
Việc đói người: Cầu thị, cố gắng là tốt nhưng xã hội và cách làm việc thấy đổi mỗi ngày, sự kiêu ngạo lúc cần có là phải có để thay đổi cách làm việc không chỉ của mình mà của cả những người xung quanh. Cứ nói như ngành Logistics của mình đi, có anh nói: "Anh kinh nghiệm làm logistics 25 năm nay rồi. Sai thế nào được?" Thế nhưng anh làm logistics từ cái thời trước wifi thì so làm sao được với đội học với công nghệ bây giờ. Tất nhiên là chúng ta cũng phải khéo léo trao đổi với anh ấy để anh ấy ủng hộ ý tưởng mới. Thế nhưng bảo không kiêu ngồi im nhìn thì công ty thiệt hại không biết bao nhiêu tỉ.
ĐIỀU 13:
Người tìm việc: Nhân sự không có nghĩa là chỉ phụ trách về nhân sự của công ty. Nhân sự = Ô sin: tổ chức sinh nhật/giáng sinh, dọn dẹp, sửa máy in, máy tính, mua đồ, ship hàng, pha trà, rót nước...
Việc đói người: Đi làm thuê được trả lương nói chung thật ra chỉ là ô sin cao cấp thôi mà. Haha. Pha trà rót nước thì làm hộ được ai cứ làm, coi như trà mình được nhiều người uống cũng vui. Nên đi làm cứ chào từ sếp tổng đến chú bảo vệ nhé. Nhiều lúc mất vé xe lại nhờ được chú đấy. Còn nhân sự thì làm ơn đội lên đầu, vì họ là người hiểu rõ quyền lợi của chúng ta nhất, đôi khi hơn cả ông chủ, nên hãy sống tử tế.
ĐIỀU 14:
Người tìm việc: Đã xác định học tiếng Anh để thuận lợi cho công việc thì nhất định phải học xong trước khi ra trường. Vừa để lấy bằng đúng hạn, vừa là khi đi làm rồi sẽ không có thời gian để tập trung học nữa.
Việc đói người: Thật ra tiếng nước ngoài giờ chỉ còn là "công cụ" cần chứ không đủ nữa. Lúc trong trường cố học được trọn vẹn một thứ tiếng là tốt. Ra trường rồi học thêm tiếng khác và kĩ năng khác nữa. Đừng bao giờ viện cớ bản thân không có thời gian khi đi làm. Mình làm rồi vẫn học thêm lập trình, tiếng Anh có đủ thì học hoàn chỉnh tiếng Trung, tiếng Tây Ban Nha nữa. Người không có thời gian học thì đầy, người không có thời gian mà vẫn học thì ít. Cái nào ít thì thị trường cần, có thế thôi.
ĐIỀU 15:
Người tìm việc: Những người nói lời ngọt ngào tán dương mình không có nghĩa là nó tốt với mình. Có khi sau lưng là một con rắn độc, nói xấu như chém cha chém chả sau lưng mình.
Việc đói người: Không chắc ai nói ngọt cũng là rắn độc. Về cơ bản thì lời nói của người khác ta nên cân nhắc bằng não và loại bỏ yếu tố tình cảm ra thôi. Mình có chị sếp yêu mình đến mức mình bổ táo ra làm 8 phần bằng nhau cũng khen mà khen thật lòng. Chị ấy đâu có xấu xa gì đâu. Cơ mà dù đời khen hay chê, chỉ cần dùng não để không tự kiêu và giữ thái độ chừng mực là được. Nếu mỗi ngày bạn vẫn tự nhắc mình không ngủ quên trên chiến thắng và cố gắng tiến lên thì lại càng tốt hơn nữa.
ĐIỀU 16:
Người tìm việc: Con thầy vợ bạn gái cơ quan. Tránh xa tình yêu công sở, lúc mới yêu thì quấn quýt, chia tay rồi thì thể nào cũng có một người nghỉ việc để đỡ gặp nhau.
Việc đói người: Mình quen mấy cặp vợ chồng làm cùng một tập đoàn lớn từ trước khi cưới. Chị một bộ phận, anh một phận. Kể cả khi công việc có liên quan đến nhau thì cả anh cả chị vẫn cứ việc theo đúng nguyên tắc tập đoàn mà xử lý. Thật ra mình thấy tình yêu công sở chẳng sao cả, giờ đi làm bận bịu như vậy, xong tối nấu cơm xong mệt chết đi hẹn hò tìm bạn trai bạn gái ở đâu. Quan trọng là các bạn giữ được công tư phân minh thì yêu đâu cũng được. Mình chỉ thấy là không nên ngủ với sếp, và không nên yêu cùng bộ phận vì kể cả lúc đang yêu cũng rất dễ xảy ra những vụ thiên vị và mất công bằng, làm thay đổi văn hóa nhóm rất nhiều.
ĐIỀU 17:
Người tìm việc: Đừng tin tất cả những gì sếp hứa hẹn... tin 50% là đủ nhiều.
Việc đói người: Có sếp mình chỉ tin 50٪ nhưng thăng tiến giống như canh bạc. Đôi khi mình không tin sếp thì công việc của cá nhân mình và của cả bộ phận mình không hoàn thành được. Vậy nên, có những lúc không hẳn là vì tin sếp 100% mà vì muốn cái gì to lớn đều có rủi ro. Như vậy đôi khi cần tạm tin nhau đi để đến khi cùng hội cùng thuyền vượt 1 quãng biển thì tin nhau nhiều hơn một chút để làm việc còn lớn hơn.
ĐIỀU 18:
Người tìm việc: Đi làm, đừng để công việc của mình phụ thuộc vào người khác, vì nói thật là họ sẽ chỉ lo cho họ thôi.
Việc đói người: Thân ai nấy lo nhưng trong một thời điểm lợi ích vẫn có thể nối nhiều người lại với nhau. Việc mình mình làm là chuyện trẻ con. Khi bạn có phụ thuộc có tin tưởng vào những người khác, thì người khác cũng sẽ vậy. Lâu dần bạn sẽ xây được team đi cùng mình dù mình sang chỗ khác hay mở công ty riêng. Vậy nên phụ thuộc người khác không xấu chỉ cần mình dám đứng ra chịu trách nhiệm cho công việc vừa riêng, vừa chung. Mong người khác làm hộ mình rồi sai thì đổ lỗi mới xấu.
ĐIỀU 19:
Người tìm việc: Lúc phỏng vấn nói 6 tháng tăng lương 1 lần. Đến 6 tháng thì bảo đấy là xem xét chứ không phải auto. Ơ ơ thế là dở rồi.
Việc đói người: 6 tháng lên lương một lần không phải là lời hứa của sếp với nhân viên mà là lời hứa của nhân viên với chính mình. 6 tháng tăng năng lực rõ ràng một lần. Còn không tăng được lương thì ta nhảy.
ĐIỀU 20:
Người tìm việc: Ngày trước chỉ ước lớn nhanh để không phải đi học nữa. Đi làm rồi lại ước, thôi cho đi học cả đời cũng được.
Việc đói người: Thì đi học thôi. Vẫn lại đang tiếc lương và thu nhập hiện tại đúng không? Haha. Vậy là đang tự dối mình lừa người rồi đó. Thực ra đi làm không có nghĩa là ngừng học. Có những thời điểm cần vừa làm vừa học thêm kĩ năng. Có những thời điểm khác bạn đang ngấp nghé lên chức hoặc một mức sự nghiệp khác, thế thì lại càng cần phải bỏ làm đi học rồi. Vậy nên nếu muốn cả đời đi học thì phấn đấu vì cái đó thôi.
Vấn đề luôn là ở góc nhìn thôi nhỉ?
Comments