Một câu hỏi rất nhiều bạn sinh viên hỏi mình là:
Chị ơi, em rất thích ngành tâm lý/ kinh doanh/ marketing/ chuỗi cung ứng/ quan hệ quốc tế/ sản xuất âm nhạc/ quản trị khách sạn.
Nhưng mình cứ động hỏi em định nghĩa ngành đó như thế nào thì 90% các bạn trả lời toàn cái đâu đâu, chẳng liên quan gì đến cái các bạn vừa nói.
Thế nhưng cũng chẳng thể trách các bạn vì cái kiểu dạy ở Việt Nam nó vậy:
Không riêng gì tên ngành, kể cả đi vào những môn học chuyên môn, các thầy cô viết định nghĩa cho có chứ đi thẳng vào bài tập toán thực hành.
Học trò cũng vậy. Nhìn thấy bài tập là xăm xăm ngồi giải theo bài mẫu đâu có cần hiểu nó là gì.
Cần ví dụ?
Các bạn đang học cấp ba chắc dùng tích phân vi phân rất nhiều nhưng định nghĩa nó là gì và dùng để làm gì trong thực tế thì các bạn có biết không?
Thế còn các bạn đã học xong cấp 3 một thời gian mà không học chuyên lý thì mấy ai còn nhớ hiệu điện trở với độ lệch tâm là gì?
Thực ra, cái kiểu nhớ bài mẫu học vẹt mà không nhớ bản chất này lên đại học còn nguy hiểm hơn:
Ngành kế toán có hai cột nợ và có. Hay ho là tài sản nằm ở cột nợ chứ không phải cột có, mặc dù theo ngôn ngữ thông thường thì lại là "tôi có tài sản."
Rất nhiều bạn kể cả về sau trở thành kế toán vẫn làm máy móc theo kiểu theo kiểu một thói quen chứ không hiểu bản chất của hai chữ "nợ" và "có"
Tài sản là nợ vì nó được dùng tạo ra doanh thu tương lai. Nếu tài sản đứng im, không tạo ra doanh thu nữa thì thật ra nó sẽ chỉ là chi phí để bảo hành bảo trì tương lai thôi. Kể cả tiền mặt (một dạng tài sản) thì vẫn là nợ thôi. Nếu tiền mặt mà không được đầu tư, thì bạn phát sinh chi phí cơ hội và đồng tiền mất giá. Nếu bạn ở trong xã hội vận hành bằng 90% tiền mặt như Việt Nam, thì doanh nghiệp còn phát sinh thêm chi phí chuyển đổi, thuê nhân công bảo vệ và chuyển tiền mặt vào ngân hàng nữa. CÁI GÌ PHẢI TRẢ TRONG TƯƠNG LAI CŨNG LÀ NỢ.
Còn thế nào gọi là có trong kế toán? Là khi tài sản của bạn đã được dùng để tạo thành doanh thu cho doanh nghiệp và chuyển nó đến tay người đầu tư (để dùng cho mục tiêu cá nhân).
Hiểu định nghĩa hai cái này để làm gì? Để từ góc nhìn của một doanh nghiệp mà nói, cái nào là nợ thì phải nhanh chóng biến nó thành có không thì thành "NỢ ĐẦM ĐÌA". Có tiền thì tiếp tục đầu tư sinh lời chứ không phải cứ ôm mãi rồi cho vào tài khoản ngân hàng. Nhỡ ngân hàng bị hack cái thì đi đời luôn. Hoặc có tiền thì phải chia ra cho bên đầu tư được hưởng nữa chứ.
Còn nếu không hiểu bản chất thì sẽ giống mấy doanh nghiệp nhà nước lưu cữu tài sản lâu ngày nhưng năm nào cũng lỗ và không tạo ra mấy giá trị cho cộng đồng.
Đối với cá nhân làm kế toán thì hiểu đúng định nghĩa lại càng tốt vì sau này khi đã thành thạo nghiệp vụ như kế toán doanh nghiệp công ty nhỏ hay kiểm toán công ty lớn thì có thể nghĩ tớ bước tiếp theo như mình có thể đổi sang làm về các chỉ số hoạt động doanh nghiệp hay đi vào các nghiệp vụ về mô hình vốn không nhỉ. Mà cái đó mới là con đường thăng tiến thực sự.
Thế nhưng cũng rất nhiều người cố súy "Hiểu mấy cái định nghĩa có kiếm ra tiền không?" Tư duy này ăn sâu đến nỗi các em trẻ trẻ thật sự không cần hiểu định nghĩa mà chỉ nhìn 1 thứ rồi đánh giá từ bề mặt:
Ngành quan hệ quốc tế được đi nhiều nói chuyện với đối tác quốc tế, nghe có vẻ oai. Thích.
Ngành tâm lý học được nghe và hiểu những câu chuyện và đồng cảm với người khác, có vẻ giống tính tình thích chia sẻ và hay bị hiểu lầm của mình. Thích.
Ngành khách sạn được mặc quần áo đẹp, tiếp xúc niềm nở với khách hàng. Thích.
Ngành nhân sự là tìm người tài cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiến bộ. Thích.
Ngành tài chính các anh chị bóng bẩy, thông minh hơn người, lũng đoạn cả thị trường nên cho ta càm giác thật quyền lực. Thích nốt
Cơ mà thích xong thì đến đoạn học vào thấy khó khăn thì hoặc bỏ hoặc rẽ ngang. Cái này cũng do các em chẳng bao giờ đọc định nghĩa, hoặc đọc xong vẫn bỏ ngoài tai, chỉ nhìn cái gì lấp lánh mà thôi. Mấy tác hại của việc này thật ra rất rõ ràng:
A dua a tòng, không xác định được đam mê: Vì không hiểu định nghĩa chính xác nên thấy người khác thích cái gì, mình cũng nghĩ mình thích theo. Hóa ra không phải. Ví như các bạn để mình nói chuỗi cung ứng thì mình nói cả ngày. Có sinh viên còn nói Trang lấp lánh lúc nói về chuỗi cung ứng. Nhưng mình cũng phải nói luôn: "Các em mà nghe chị nói về chuỗi thì đều mê nó. Thật ra vì bản thân chị hiểu rõ và rất mê nên chị nói cái gì cũng hồng hường cả. Vấn đề là bản thân các em đã tìm hiểu chưa, liệu nó có thực sự là cả đời của các em không?"
Căng thẳng và hiểu lầm trong công việc sau này: Lúc làm việc nhóm và kết hợp với đối tác, cùng một từ "A" nhưng mỗi bên hiểu một kiểu, cuối cùng cãi nhau chỉ vì bạn hiểu A, bạn bên cạnh hiểu A', kéo một ý tưởng, một dự án theo 8 hướng. Xôi hỏng, bỏng không (mà không phải là cá nhân nào không cố gắng). Ví dụ mình nói: "Cần xây dựng giải pháp chuỗi cung ứng cho nhà cung ứng nhỏ lẻ để họ có thể chuyển hàng đúng hạn hơn." Thế là có bạn hiểu ngay là cần "làm giải pháp vận tải" cho họ, nhưng thực ra ý mình là đi tìm hiểu xem nhà cung ứng nhỏ lẻ có vấn đề gì (thường liên quan đến nguồn vốn và sản xuất), nếu giải được vấn đề từ gốc thì họ cung ứng tốt hơn. Chắc gì vấn đề đã là vận tải, nếu vận tải tốt, mà sản xuất mới chậm thì sao. Thế nhưng cái não tự động hiểu chuỗi cung ứng là logistics với vận tải, thì mình không có gì để giải thích.
Túm lại là đừng coi thường định nghĩa, đừng chỉ thích các thứ ở bề mặt. Định nghĩa thường nhìn đơn giản, nhưng nó bao hàm ý nghĩa sâu xa của khái niệm và nghề cụ thể đấy. Khi đọc định nghĩa thì nên bóc tách nó, rồi tìm hiểu sâu thêm từng từ trong nó có ý nghĩa gì. Sau khi hiểu kĩ bản chất rồi, thì hẵng lên ý tưởng mà thực hiện. Nhanh nhảu không có tác dụng gì đâu
Cuối cùng, cái cách học mà không cần hiểu định nghĩa thực tế chỉ là "học làm thợ, học nghề". Cứ coi như mở cửa hàng kinh doanh kiếm ra tiền đi, sau này khi kinh doanh thành chuỗi, rất nhiều người phải đi học lại để đúng định nghĩa còn mở rộng kinh doanh thêm đấy. Khác biệt lớn nhất giữa nhân lực đi tìm việc và nhân lực được thị trường săn đón không phải ở "trăm hay không bằng tay quen" mà là ở "tay quen rồi thì phải hiểu đúng và hiểu sâu"
Comments